Trang chủ / Ngành / Ngành Luật

Ngành Luật

Ngành luật hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm và mức lương cao. Nhưng ngành luật là gì? Học ngành luật ra trường làm những công việc gì? Bài viết này sẽ giải đáp phần nào các băn khoăn về ngành học này và định hướng tốt hơn cho tương lai của các sinh viên ngành luật và các bạn đang hoặc sẽ có mong muốn theo học ngành luật.

Ngành luật là gì?

Ngành luật là một trong các ngành đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Ngành luật bao gồm nhiều nhánh ngành khác nhau. Mỗi nhánh ngành thuộc một lĩnh vực pháp luật cụ thể như: Luật Hiến pháp, luật Hành chính,  luật Kinh tế, luật Dân sự, luật Hình sự, luật Quốc tế. ..

Ngành Luật là ngành học  đào tạo và cung cấp cho sinh viên những kiến thức sâu rộng về hệ thống pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế; các kỹ năng phân tích, đánh giá và xử lý đúng đắn, khách quan các vấn đề kinh tế-xã hội liên quan đến pháp luật.

Cơ hội việc làm ngành luật:

Nhiều người lầm tưởng học ngành luật chỉ làm luật sư. Tuy nhiên, tốt nghiệp ngành luật có vô vàn công việc mà bạn có thể ứng tuyển. Bên cạnh đó, không chỉ làm việc tại các cơ quan nhà nước, bạn có thể làm tại các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân… Thậm chí bạn có thể mở văn phòng luật riêng hay trở thành nhà báo. Theo trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, nhân sự ngành luật vẫn tăng cao trong thời gian tới. Nhu cầu nhân lực có thể lên đến 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên… Con số này vẫn sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, nhu cầu ngành luật sẽ rất lớn tạo cơ hội việc làm dồi dào với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, ngành luật luôn có yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ, giao tiếp… Để thăng tiến, thành công  trong công việc cũng cần có năng lực và kinh nghiệm. Vì thế, bạn phải không ngừng trau dồi kiến thức về các lĩnh vực kinh tế-xã hội nói chung và kiến thức pháp luật; rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh nghề luật nói riêng. Trường Đại học Kinh Bắc có thể giúp bạn có được các kiến thức và kỹ năng này.

Tốt nghiệp ngành luật làm công việc gì?

Sinh viên tốt nghiệp ngành luật có thể có rất nhiều cơ hội việc làm. Bạn có thể trở thành luật sư, công chứng viên, thanh tra viên, công an, thẩm phán, kiểm sát viên, chuyên viên pháp lý; pháp chế doanh nghiệp; làm cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp…Trong bài viết này chỉ mô tả giới thiệu  một số những vị trí công việc tiêu biểu mà sinh viên ngành luật sau khi tốt nghiệp có thể làm:

  1. Công chứng viên

Tốt nghiệp ngành luật bạn có thể ứng tuyển vị trí công chứng viên. Đây là người tư vấn và thẩm định công chứng cho khách hàng. Công chứng viên còn chịu trách nhiệm soạn thảo, thẩm định hợp đồng, hồ sơ theo quy định pháp luật. Trong ngành luật, công chứng viên còn là người hỗ trợ cho luật sư trong các văn bản pháp lý. Yêu cầu về kinh nghiệm của công chứng viên khá cao. Ứng viên vị trí này phải công tác pháp luật từ 5 năm trở lên sau khi tốt nghiệp ngành luật và có chứng chỉ hành nghề công chứng viên. Bên cạnh đó, bạn cần phải có các kỹ năng mềm như giao tiếp và giải quyết vấn đề.
2. Chuyên viên pháp lý
Đây là vị trí có cơ hội việc làm cao trong tuyển dụng việc làm ngành luật. Chuyên viên pháp lý là người tư vấn, giải quyết, những vấn đề liên quan đến pháp luật cho doanh nghiệp. Do đó, họ phải nghiên cứu, soạn thảo và hoàn thiện các văn bản, hồ sơ pháp lý. Chuyên viên pháp lý phải thường xuyên gặp mặt, làm việc trực tiếp với các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, phải cập nhật những thay đổi của các quy định pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Để làm công việc chuyên viên pháp lý, bạn phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật. Đồng thời phải giao tiếp tốt, có sức thuyết phục. Bạn phải linh hoạt để giải quyết các tình huống. Tác phong chuyên nghiệp là điều cần có ở chuyên viên pháp lý.
3. Kiểm sát viên/Công tố viên
Kiểm sát viên hoặc công tố viên là người của cơ quan công tố (VKS nhân dân). Công việc chính là điều tra, truy tố, buộc tội kẻ phạm pháp trong các vụ án hình sự và phiên tòa xét xử. Ngoài ra, họ có thể thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Kiểm sát viên là người có trình độ cử nhân ngành luật và được công nhận là chuyên viên pháp lý. Ngoài chuyên môn, bạn phải nắm được nghiệp vụ cảnh sát và điều tra tội phạm. Bên cạnh đó, bạn phải có các kỹ năng tranh biện, hùng biện, phân tích và xử lý thông tin… Trở thành kiểm sát viên/công tố viên, bạn phải luôn có bản lĩnh, đạo đức,nghề nghiệp.
4. Luật sư
Luật sư là công việc được nhiều người nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến ngành luật. Bởi đây là công việc tiêu biểu và thể hiện rõ đặc thù của ngành luật. Công việc của luật sư: Nghiên cứu, phân tích và soạn thảo các văn bản pháp lý theo phân công. Tư vấn pháp lý, đại diện pháp luật cho các cá nhân hoặc tổ chức trong giải quyết tranh chấp, tố tụng… Thu thập chứng cứ cho quá trình kiện tụng. Cung cấp hồ sơ kiện tụng cho tòa án, cơ quan nhà nước hoặc tổ chức trọng tài. Nghiên cứu các văn bản luật, cập nhật quy định pháp luật theo yêu cầu công việc. Làm việc trực tiếp với khách hàng, doanh nghiệp hay các cơ quan pháp luật, cơ quan hành chính nhà nước trong trường hợp cần thiết. Đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp lý. Tóm lại, luật sư là người thực hiện pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng/thân chủ.khi họ yêu cầu. Đồng thời,  hỗ trợ, đưa ra các giải pháp pháp lý cho khách hàng hoặc công ty đó để giúp giải quyết vấn đề pháp lý mà họ đang gặp phải và cần giải quyết. Yêu cầu đối với Luật sư:  Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, có chứng chỉ hành nghề luật sư. Có kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương. Kỹ năng giao tiếp, phân tích và xử lý tình huống tốt. Bên cạnh đó, luật sư phải có kỹ năng xử lý công việc độc lập và nhóm hiệu quả. Tinh thần trách nhiệm cao, tác phong chuyên nghiệp, quyết đoán., có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp.
5. Thư ký tòa án
Thư ký tòa án là công chức làm việc tại Tòa án. Nhiệm vụ là ghi chép, tổng hợp các văn bản tố tụng, quản lý hồ sơ. Thư ký tòa án còn là người hỗ trợ cho thẩm phán thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Để ứng tuyển trở thành thư ký tòa án, bạn phải có bằng cử nhân ngành Luật. Bên cạnh đó, bạn phải vượt qua kỳ thi tuyển công chức của ngành tòa án. Các kỹ năng cần có: giao tiếp tốt, kỹ năng thuyết trình, tin học văn phòng…
6. Thẩm phán
Thẩm phán chắc hẳn là ước mơ lớn của rất nhiều sinh viên ngành luật. Đây là chức danh cao quý thuộc về những người có nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” bảo vệ công lý và thực thi pháp luật. Trở thành thẩm phán bạn sẽ nắm trong tay rất nhiều quyền lực, danh vọng và địa vị. Nhưng bạn cũng có trách nhiệm cao với công việc này. Để trở thành thẩm phán là cả một quá trình. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành luật, bạn còn phải trải qua 3 bước sau: – Làm thư ký tòa án – Tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ thẩm phán – Có quyết định bổ nhiệm thẩm phán của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
7. Pháp chế doanh nghiệp
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, rủi ro trong kinh doanh là rất lớn buộc doanh nghiệp phải tìm cách phòng ngừa. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã thành lập hẳn một phòng/ban pháp chế. Nhiệm vụ của bộ phận này là tư vấn, kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật. Từ đó, tránh được những sai phạm, rủi do có thể xảy ra. Ngoài các doanh nghiệp, bạn có thể tham gia đội ngũ pháp chế trong các ngân hàng thương mại. Nhiệm vụ chính là đảm bảo những hoạt động của ngân hàng không vi phạm pháp luật, ngăn ngừa rủi do cho ngân hàng và cho khách hàng. Ngoài ra, bạn phải thực hiện rà soát hợp đồng, đảm bảo hợp đồng không bị vô hiệu, vi phạm pháp luật. Bên cạnh phòng/ban pháp chế, ngân hàng thường có các phòng/ban khác cần nhân sự ngành luật như đầu tư, thu hồi nợ, tố tụng…

8. Giảng viên, nghiên cứu viên ngành luật

Công việc giảng viên ngành luật phù hợp với những người yêu thích nghiên cứu, giảng dạy pháp luật. Bạn có thể trở thành giảng viên ngành luật ở các trường đào tạo chuyên ngành luật. Ngoài ra, một số trường đại học không chuyên luật cũng cần giảng viên giảng dạy về pháp luật chung, pháp luật chuyên ngành. Do đó, nhu cầu giảng viên ngành luật ngày một tăng, tạo ra cơ hội việc làm. Làm giảng viên, bạn cần có bằng thạc sĩ chuyên ngành luật trở lên. Hoặc ít nhất là bằng cử nhân loại giỏi ngành luật hệ chính quy. Bên cạnh kiến thức chuyên sâu về luật, bạn cần có nghiệp vụ sư phạm. Các kỹ năng hỗ trợ cần có như: tin học, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình…

Nghiên cứu viên ngành luật cũng là vị trí việc làm phù hợp với các bạn yêu thích công việc nghiên cứu, có khả năng nghiên cứu độc lập.. Các nghiên cứu viên ngành luật thường làm việc trong các trung tâm, viện nghiên cứu chuyên ngành luật hoặc trong các trung tâm, viện nghiên cứu có liên quan đến nghề luật. Để trở thành nghiên cứu viên ngành luật đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về ngành luật, có kỹ năng tổ chức, thực hiện hoạt động nghiên cứu, có năng lực ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu công việc.

Mã ngành

Thời gian học

04 năm

Tổ hợp môn xét tuyển

Học phí

500.000 đồng/1 tín chỉ

Ký túc xá

150.000/tháng

Đăng ký xét tuyển