(Dân trí) – Với phương châm đào tạo những gì xã hội cần, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh Bắc tạo môi trường để sinh viên được trải nghiệm thực tế, tự tin lập nghiệp khi ra trường.
Ngày 26/5, tại TP Chí Linh – Hải Dương đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Trải nghiệm thực tế khởi lập doanh nghiệp”.
Tham dự tọa đàm có Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Đoàn Xuân Tiếp – Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh tế Chân – Thiện – Mỹ,; thầy Nguyễn Đình Dũng – Ủy viên Thường vụ, thường trực Đảng ủy, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh Bắc, nguyên Giám đốc cơ sở đào tạo Bắc Ninh; Tiến sĩ Lương Cao Đông – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Bắc; các thầy, cô giáo là cán bộ quản lý của các khoa, phòng, trung tâm… cùng hàng trăm sinh viên đến từ các khoa, ngành khác nhau của Trường Đại học Kinh Bắc – Bắc Ninh.
Ông Đoàn Xuân Tiếp – Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh tế Chân – Thiện – Mỹ,
truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các sinh viên tại tọa đàm
(Ảnh: Đại học Kinh Bắc).
Cơ hội cho sinh viên trải nghiệm thực tế
Thầy Nguyễn Đình Dũng – nguyên Giám đốc cơ sở đào tạo Bắc Ninh – chia sẻ, buổi tọa đàm nằm trong kế hoạch thường niên cho sinh viên trải nghiệm thực tế của Trường Đại học Kinh Bắc. Thông qua các cuộc tọa đàm này, sinh viên nhà trường có cơ hội được nghe các diễn giả là các chuyên gia, chủ doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực kinh doanh, giúp sinh viên có kiến thức thực tế, định hướng rõ ràng hơn cho nghề nghiệp cũng như quá trình khởi nghiệp của mình sau khi ra trường.
Tại cuộc tọa đàm trên, các sinh viên đã được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ câu chuyện khởi nghiệp đầy gian nan nhưng đã rất thành công của Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh tế Chân – Thiện – Mỹ, Đoàn Xuân Tiếp.
Quang cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: Đại học Kinh Bắc).
Ông Tiếp chia sẻ, sau 23 năm phục vụ quân đội, ông trở về địa phương với niềm trăn trở của một cựu chiến binh: “Phải làm gì lo cho bản thân, gia đình và giúp đỡ mọi người, đóng góp cho xã hội?”.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, ông quyết định đầu tư vào nghề thủ công mỹ nghệ cho công nhân là người khuyết tật. Năm 1996, ông thành lập Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc tại thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh (nay là TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), với mục đích dạy nghề phù hợp, tạo việc làm cho thương binh và người khuyết tật.
Ông Tiếp giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao được làm từ những viên đá, khối đá bỏ đi
(Ảnh: Đại học Kinh Bắc).
Trung tâm đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật, sau gần 30 năm, đã trở thành tập đoàn kinh tế Chân – Thiện – Mỹ đang ngày càng mở rộng, với 8 công ty thành viên, một trường đại học và một phòng khám đa khoa.
Trường Đại học Kinh Bắc được thành lập theo Quyết định số 350- QĐ/TTg ngày 26/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo hàng năm có một tỷ lệ sinh viên người khuyết tật chiếm 15%.
Đại học Kinh Bắc là trường đào tạo đa ngành, với 18 ngành hệ đại học chính quy và 2 ngành sau đại học. Nằm trong tập đoàn kinh tế Chân – Thiện – Mỹ, nên Trường đại học Kinh Bắc nhận được sự hỗ trợ đắc lực về tài chính để đảm bảo về sự đầu tư cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị hiện đại, đáp ứng cho nhu cầu học tập, đồng thời là nền tảng tốt nhất cho sự phát triển của nhà trường. Về quy mô đào tạo, hiện trường có gần 5.000 sinh viên, học viên cao học đến từ 52 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Với tư cách là Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh tế Chân – Thiện – Mỹ, ông Tiếp rất hiểu tâm tư nguyện vọng của các nhà tuyển dụng. Ông đã định hướng xây dựng cho Trường Đại học Kinh Bắc một chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng thực hành rất sát thực tế.
“Trong quá trình học tập tại Trường Đại học Kinh Bắc, sinh viên được thực hành thực tế tại các cơ sở trong hệ sinh thái của tập đoàn kinh tế Chân – Thiện – Mỹ. Từ đó giúp sinh viên có kiến thức chuyên môn thực tế, khi ra trường làm được việc luôn, không phải đào tạo lại”, ông Tiếp nói và cho biết thêm, 95% sinh viên của Trường Đại học Kinh Bắc ra trường có việc làm đúng ngành nghề, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, tại các buổi trải nghiệm thực tế, Trường Đại học Kinh Bắc có mời các diễn giả là chủ các doanh nghiệp – những người có kinh nghiệm thực tế để chia sẻ với sinh viên. Từ các buổi học này, sinh viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp của mình khi ra trường.
Mục tiêu sinh viên ra trường là có việc làm, ổn định cuộc sống
Bên cạnh đó, nếu sinh viên nào khi ra trường có nhu cầu được làm việc tại tập đoàn, nếu đủ điều kiện tuyển dụng đều được đáp ứng 100%.
“Nhà trường không chỉ tuyển dụng luôn sinh viên khi ra trường, mà quá trình học tập, sinh viên được thực hành thực tế với chuyên ngành mình theo học, tạo ra sản phẩm thì đã có thu nhập để phục vụ cho việc học tập của mình”, ông Tiếp chia sẻ thêm.
Sinh viên Đại học Kinh Bắc giao lưu, trò chuyện với khách nước ngoài tại khu trưng bày sản phẩm mỹ nghệ của Tập đoàn Chân – Thiện – Mỹ
(Ảnh: Đại học Kinh Bắc).
Tại cuộc tọa đàm, ông Tiếp đã nhận hàng chục câu hỏi của sinh viên xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp như: khi ra trường nên đi làm thuê hay làm chủ luôn; huy động vốn thế nào, từ đâu để khởi nghiệp; đâu là yếu tố then chốt để khởi nghiệp thành công…
Chia sẻ về câu chuyện vốn, ông Tiếp nói: “Phần lớn người khởi nghiệp thường quan tâm đến vấn đề có bao nhiêu vốn. Nhưng tôi lại suy nghĩ ngược lại, ban đầu mình phải định hướng rõ muốn làm cái gì, làm như thế nào, thị trường tiêu thụ ra sao, sau đó mới tính đến vấn đề huy động vốn”.
Về câu hỏi khi ra trường nên đi làm thuê để lấy kinh nghiệm hay làm chủ luôn, theo quan điểm của ông Tiếp, tùy thuộc vào hoàn cảnh và mối quan hệ của gia đình, bản thân mà sinh viên tự quyết vấn đề này. Có người vừa làm chủ cơ sở kinh doanh, vừa đi làm thuê để học hỏi kinh nghiệm.
Sinh viên trường Đại học Kinh Bắc đặt câu hỏi trong buổi tọa đàm (Ảnh: Đại học Kinh Bắc).
“Không có việc gì là dễ dàng, tất cả đều phải quyết tâm, nỗ lực vượt qua. Khi khởi nghiệp kinh doanh lĩnh vực nào đó, các bạn nên vận dụng trí thông minh của người Do Thái, nghĩa là dù có mối quan hệ thân quen từ trước, nhưng khi bắt tay vào hợp tác đều phải tìm hiểu lại đối tác đó từ đầu, từ nhiều nguồn khác nhau. Bởi thương trường là chiến trường, nếu gặp đối tác không tốt, mình chủ quan thì nguy cơ gặp rủi ro rất cao”, ông Tiếp trả lời cho câu hỏi yếu tố then chốt để khởi nghiệp thành công.
Tọa đàm “Trải nghiệm thực tế khởi lập doanh nghiệp” là chương trình trải nghiệm thực tế thường niên của Trường Đại học Kinh Bắc.
Ngoài nghe các diễn giả chia sẻ, tại tọa đàm này, sinh viên còn được trải nghiệm, xem thực tế các sản phẩm mỹ nghệ của Tập đoàn Chân – Thiện – Mỹ tại số 338 đường Lê Thanh Nghị, phường Hoàng Tân (TP Chí Linh, Hải Dương). Mỗi ngày tại đây đón tiếp hàng nghìn lượt khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm. Đây là cơ hội để sinh viên giao lưu, trò chuyện với khách quốc tế, giúp các em không những phát triển thêm về ngoại ngữ mà còn mang lại những trải nghiệm bổ ích cho bản thân.
Thông qua các buổi tọa đàm, sinh viên Đại học Kinh Bắc có nhiều kiến thức thực tế, tự tin và ra trường làm được việc luôn, không phải đào tạo lại
(Ảnh: Đại học Kinh Bắc).
Đại diện Đại học Kinh Bắc cho biết, các cuộc tọa đàm, trải nghiệm thực tế thường niên như trên đã giúp sinh viên, nhất là sinh viên năm cuối của nhà trường có thêm kiến thức thực tế nghề nghiệp từ chia sẻ của các diễn giả.
Ngoài ra, được trực tiếp trải nghiệm, tham quan nơi sản xuất của Tập đoàn Chân – Thiện – Mỹ, sinh viên có thể hiểu hơn về quy trình sản xuất, kỷ luật lao động, những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đó là những kiến thức, hành trang quý báu giúp sinh viên tự tin, bản lĩnh hơn khi ra trường.