Từ ngày 30/11/2020 đến ngày 6/12/2020 sinh viên khóa 6 Viện Du lịch, trường Đại học Kinh Bắc đã có chuyến đi thực tế chuyên môn “Hành trình di sản miền Trung”, đây là chương trình thực tế chuyên môn quan trọng trong chương trình đào tạo của Viện Du lịch.

Trong chuyến hành trình sinh viên được trực tiếp tham gia vào việc chuẩn bị và tổ chức chuyến đi cùng các giảng viên, đây là cơ hội tốt để sinh viên ngành lữ hành và khách sạn thực hành kỹ năng nghiệp vụ theo chuyên ngành đào tạo của mình. Sinh viên được đến những địa danh lịch sử, những công trình kỳ vĩ của tạo hóa, được chạm tay vào những hiện vật, được thưởng thức làn điệu ca Huế đằm thắm và thiết tha trên dòng sông Hương thơ mộng, ngắm những đền tháp Chămpa, phố cổ Hội An… Chuyến “hành trình di sản miền Trung” đã giúp sinh viên có chuyến đi thực tế chuyên môn đầy bổ ích, được học tập trải nghiệm và gắn kết với nhau.
Hành trình di sản miền Trung đã đưa sinh viên đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, đầu tiên là sự lo lắng và hồi hộp trước một chuyến đi dài, để rồi đến với Ngã ba Đồng Lộc tịnh tâm lắng lại để nghe câu chuyện đầy hào khí về mảnh đất Can Lộc – Hà Tĩnh và câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Ngày thứ 2, Đoàn đã xuôi dòng sông Son đến với Phong Nha Kẻ Bàng được Unessco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào tháng 7 năm 2003 và được coi là “Thiên nhiên đệ nhất động” đồng thời là một trong tám động dài nhất thế giới.

Tại Nghĩa Trang liệt sỹ Trường Sơn – Quảng Trị đoàn làm lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập dân tộc.

Huế chào đón thầy trò bằng cơn mưa và những làn điệu ca Huế đằm thắm và thiết tha trên dòng sông Hương thơ mộng.

Ngày thứ 3 đoàn sinh viên của Viện Du lịch thăm Đại Nội Huế gồm có Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là kinh thành của triều Nguyễn trong suốt 140 năm với 13 đời vua từ năm 1805 – 1945. Đại Nội nằm ở phường Thuận Thành, thành phố Huế và thuộc quần thể di tích cố đô Huế được Unesco công nhận là di sản thế giới năm 1993.

Tiếp đó đoàn đi thăm chùa Thiên Mụ và Lăng Khải Định là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của các vua nhà Nguyễn còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Ngày thứ 4 đoàn đến Đà Nẵng thăm quan Ngũ hành Sơn và cầu mong những điều tốt đẹp tại chùa Linh Ứng.

Đến với đất “Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu Hồng Đào chưa ngấm đã say”, đoàn được thăm quan và nghe thuyết minh về thánh địa Mỹ Sơn bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm Pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản được Unesco công nhận là di sản văn hóa vào tháng 12 năm 1999.

Về Hội An đoàn được cảm nhận không khí cổ xưanhững mái ngói cũ phủ đầy rêu phong, những con đường ngập trong sắc đỏ của đèn lồng, những bức hoành phi được chạm trổ tinh vi, tất cả như đưa ta về với một thế giới của vài trăm năm trước. Về Hội An đoàn ghé thăm chùa Cầu, hội quán Phúc Kiến, những ngôi nhà cổ…

Ngày thứ 5 đoàn trở lại với thành cổ Quảng Trị, đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình thống nhất đất nước. Các sinh viên đã rất xúc động khi nghe lịch sử hào hùng về mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Buổi tối tại thành phố Đồng Hới, thầy và trò Viện Du lịch, trường Đại học Kinh Bắc đã tổ chức một đêm gala dinner với chủ đề “Hành trình di sản miền Trung” sôi động và đầy màu sắc. Trong đêm gala tất cả sinh viên đã cháy hết mình bằng những điệu múa, lời ca tiếng hát và những điệu nhảy bốc lửa của tuổi trẻ.

Ngày thứ 6 tiếp tục hành trình là sự trở về với Quê Bác để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Buổi chiều đoàn về Cửa Lò tại đây thầy và trò đã tổ chức chương trình teambuilding vô cùng vui nhộn và đặc sắc.

Kết thúc hành trình là buổi giao lưu giữa sinh viên Viện Du lịch, trường Đại học Kinh Bắc với Ban lãnh đạo FLC Sầm Sơn Thanh Hóa, tại đây đoàn được nghe ông Nguyễn Văn Quyến, Giám đốc nhân sự chia sẻ về hình thức tuyển dụng và chế độ làm việc tại khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa. Sau buổi giao lưu và thăm quan khu nghỉ dưỡng, sinh viên là thượng khách của dịch vụ nghỉ dưỡng 5 sao FLC. Buổi chiều cùng ngày đoàn sinh viên chuyên ngành khách sạn được thực tập tại các bộ phận FO, FB, Housekeeping và được chuyên gia Shashi người nước ngoài trực tiếp hướng dẫn các kỹ năng nghiệp vụ FB tại nhà hàng Fish cá của khu nghỉ dương FLC Sầm Sơn.

Trả lời